PHÂN BÓN MIỀN NAM VỚI CÂY HỒ TIÊU

 Phân bón Miền Nam - SFJC  15-03-2022  133 Lượt xem

1. Giới thiệu chung

– Nguồn gốc: Hồ tiêu (cây tiêu) tên hoa học là Piper nigrum; là một loài cây thân leo có hoa. Hồ tiêu thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae), trồng chủ yếu để lấy quả và hạt, thường dùng làm gia vị.  Hồ tiêu cả nước ước tính diện tích có khoảng hơn 74.000 ha, năng suất bình quân 2,2 tấn khô/ha, đứng thứ ba trên thế giới về diện tích, thuộc vào nhóm các nước có năng suất cao nhất. Các tỉnh phía Nam, vùng Tây Nguyên chiếm tỷ lệ cao nhất với 52% diện tích. Sản phẩm hồ tiêu mang lại giá trị xuất khẩu lớn so với nhiều cây trồng khác.

– Đặc điểm nông học và yêu cầu ngoại cảnh:

+ Nhiệt độ thích hợp nhất cho cây hồ tiêu từ 25 – 27oC.

+ Ánh sáng thích hợp với điều kiện ánh sáng tán xạ nhẹ.

+ Lượng mưa và ẩm độ yêu cầu trong năm từ 1.500 – 2.500 mm và phân bố điều hòa.

– Hồ tiêu yêu cầu một giai đoạn khô hạn tương đối ngắn vào sau vụ thu hoạch để phân hóa mầm hoa và ra hoa tập trung vào đầu mùa mưa năm sau.

– Thời kỳ ra hoa yêu cầu về độ ẩm không khí cao, từ 70 – 90%.

– Độ pH thích hợp từ 5,5-7.

– Cây tiêu thích hợp với điều kiện gió nhẹ.

Hình 1: Trụ cây hồ tiêu và những chùm hạt tiêu

2. Canh tác cây hồ tiêu với Phân bón Miền Nam

2.1. Chuẩn bị giống, đất trồng vả kỹ thuật trồng

a. Chuẩn bị giống: Có 2 cách nhân giống phổ biến

Trồng từ hom thân:

+ Từ các đốt hom thân phía trên mặt đất mọc lên các chồi thân, mỗi đốt mọc một chồi, các chồi thân này phát triển nhanh, bám vào trụ tiêu và vươn cao.

+ Trồng bằng hom thân thì các dây thân phát sinh cành quả sớm (sau 02 năm cho quả).

– Trồng từ hom lươn:

+ Chồi dây thân mọc ra từ hom lươn thường yếu, không ra cành quả ngay mà thường phái 8 – 12 tháng sau khi trồng.

+ Buộc các dây thân này vào trụ để tất cả các đốt của dây tiêu đều có rễ bám bám chắc vào trụ để dây tiêu vươn lên trụ dễ dàng và mau phát sinh cành quả.

+ Đối với cây tiêu trồng từ dây lươn phải áp dụng biện pháp đôn dây tiêu để đưa vị trí cành quả xuống sát mặt đất, trụ tiêu không bị trống gốc.

Hom giống được cắt mỗi hom có 3-4 mắt. Hom cắt hơi xiên, vết cắt cách mắt 3-4 cm. Sau đó xử lý bằng hóa chất để sát trùng và mau ra rễ. Cắm mỗi bịch 2-3 hom, lấp đất 2 mắt chừa 2 mắt. Chuyển vào vườn ươm che kín gió và điều chỉnh đạt 30% ánh sáng. Khi mầm cao 3-4 cm có thể tưới SA pha loãng (5 ‰) tuần 1 lần, trước khi đem trồng 1 tháng cần dỡ bớt giàn che (70-80 % ánh sáng). Thời gian trong vườn ươm từ 4,5 – 6 tháng (4 – 6 cặp lá).

Ngoài ra còn có thể nhân giống bằng cành quả, bằng hạt, bằng cành chiết ghép, nhưng những phương pháp này ít phổ biến.

b. Đất đai: Cây tiêu thích hợp với nhiều loại đất và điều kiện địa hình khác nhau, Yêu cầu về đất trồng tiêu cần thỏa mãn các điều kiện sau:

– Đất có tầng đất dầy trên 70 cm.

– Mạch nước ngầm sâu trên 2 m

– Đất dễ thoát nước, không bị úng ngập,

– Đất tơi xốp, giàu mùn, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình.

Theo kinh nghiệm dân gian thì những nơi nào trồng được dây trầu không thì có thể trồng được Hồ tiêu.

c. Kỹ thuật trồng:

– Thời vụ trồng: Tùy theo vùng, nhưng thường được trồng vào đâu mùa mưa.

Mật độ: Khoảng cách tùy thuộc vào loại trụ tiêu.

+ Trụ đúc bê tông: mật độ dày, từ 1.800-2.000 trụ/ha, với khoảng cách trồng là 2.2 x 2,5m hoặc 2 x 2,5m.

+ Trụ gạch xây Trụ gạch vuông được dựng theo mật độ 1.600 trụ/ha, khoảng cách 2,5 x 2,5m. Trụ gạch tròn mật độ thưa hơn 1.110 trụ/ha, với khoảng cách 3 x 3m.

+ Trụ sống: Trụ keo dậu, anh đào, lồng mức, v.v. được trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5m, mật độ 1.600 trụ/ha. Trụ sống cây muồng đen được trồng với khoảng cách 3 x 3m, mật độ 1.100 trụ/ha.

Có thể trồng xen kẽ, một hàng trụ sống kết hợp với 1 hàng trụ bê tông với khoảng cách 2,5 x 2,5m, mật độ 1.600 trụ/ha.

– Cách trồng:

+ Đào hố trồng tiêu: đào 1 hố trồng phía cây trụ tạm, ở phía xa cây trụ sống, mép hố cách trụ tạm 10 – 15 cm, sao cho tâm hố là vị trí đặt bầu tiêu hay dây tiêu cách cây trụ sống từ 40 – 50cm. Hố đào có kích thước 60 x 60 x 60cm. Đất mặt và đất sâu để riêng.

+ Nếu trồng bằng bầu, xé bầu tiêu nhẹ nhàng tránh vỡ bầu rồi đặt vào giữa hố, đặt bầu hơi nghiêng, hướng chồi tiêu về phía trụ, mặt bầu ngang với mặt đất, không trồng âm. Lấp đất, dùng chân dậm chặt đất xung quanh bầu.

+ Trồng bằng hom thì dùng hom thân 5 mắt, đặt hom xiên với đất mặt 45o, đầu hom hướng về phía trụ, vùi lấp 3 mắt vào đất, chừa trên mặt đất 2 mắt, dậm chặt đất quanh hom.

2.2. Bón phân

Hình 2: Bón phân cho hồ tiêu giai đoạn kiến thiết

Phân hữu cơ SFJC Bio-Gold G.A.P là một sản phẩm của Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam, dạng phân bón sạch, được sản xuất từ 100% nguyên liệu thực vật, phù hợp trong canh tác G.A.P, có 55% Hữu cơ, Đạm tổng hợp từ tự nhiên, Acid Humic, Acid Fulvic, nấm Trichoderma .v.v., góp phần tạo ra hệ sinh thái đất ổn định, gia tăng hiệu quả hoạt động của các yếu tố vi sinh vật có lợi, hạn chế các chủng nấm gây hại, hạn chế rửa trôi các yếu tố dinh dưỡng, kích thích khả năng ra rễ non nhiều hơn, cây trồng có bộ rễ khỏe hơn đồng thời hạn chế sự thoái hóa và bạc màu của đất trồng.

Supe Lân Long Thành là sản phẩm của Công ty Cổ phân Phân bón Miền Nam sản xuất tại nhà máy Supe Phốt Phát Long Thành chứa 16% lân hữu hiệu, lưu huỳnh với hàm lượng 10%, Ca với hàm lượng 15% và các dưỡng chất trung vi lượng khác có tác dụng kích thích quá trình hình thành bộ phận mới của cây, thúc đẩy quá trình phân hóa mầm hoa. Supe Lân Long Thành dễ tiêu, dễ tan trong môi trường đất giúp cây trồng nhanh hấp thu và thích hợp với nhiều đối tượng cây trồng.

Phân bón Miền Nam NPK 19-11-7+6S+TE là sản phẩm NPK dạng một hạt được sản xuất bằng dây chuyền công nghệ hơi nước thùng quay với hàm lượng dinh dưỡng cao, chất lượng đồng đều và ổn định, hạt phân tan tốt giúp cây trồng hấp thụ ngay. Sản phẩm chứa hàm lượng Nts:19%; P2O5hh: 11%; K2Ohh: 7% và cân đối các dưỡng chất trung vi lượng khác. Sản phẩm giúp cây trồng phục hồi nhanh sau khi trồng, thúc đẩy cây ra rễ mạnh, nảy chồi nhanh, giúp dầy lá, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Phân bón Miền Nam NPK 20-20-15+TE (dạng hỗn hợp một màu). Đây là sản phẩm mới của Công ty Phân bón Miền Nam, được sản xuất qua dây chuyền tạo hạt hơi nước thùng quay, tích hợp đầy đủ thành phần hàm lượng dinh dưỡng cao tác động nhanh đến quá trình phát triển đâm chồi, phân nhiều cành quả, giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh. 

Hình 3: Bón phân cho hồ tiêu giai đoạn kinh doanh

Phân bón Miền Nam NPK 15-15-15+TE là sản phẩm của Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam được sản xuất bằng công nghệ hơi nước thùng quay chứa hàm lượng Nts:15%; P2O5hh: 15%; K2Ohh: 15% và cân đối các dưỡng chất trung, vi lượng khác. Phân bón Miền Nam NPK 15-15-15+TE giúp cung cấp cân đối hàm lượng dinh dưỡng N, P, K và góp phần thúc đẩy ra hoa và thúc trái lớn nhanh.

Phân bón Miền Nam NPK 17-5-19+TE là sản phẩm của Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam được sản xuất bằng công nghệ hơi nước thùng quay chứa hàm lượng Nts:17%; P2O5hh: 5%; K2Ohh: 19% và cân đối các dưỡng chất trung, vi lượng khác. Phân bón Miền Nam NPK 17-5-19+TE giúp cung cấp cân đối hàm lượng dinh dưỡng N, P, K và giúp trái lớn nhanh, chống rụng trái và trái chín tập chung.

2.3 Chăm sóc

– Sau 7 – 10 ngày trồng tiêu bằng bầu, 2 – 3 ngày trồng tiêu bằng hom thân nếu trời không mưa phải tưới nước cho dây tiêu.

Trồng dặm kịp thời các những dây tiêu bị chết và chấm dứt trồng dặm trước khi dứt mưa 1,5 – 2 tháng.

Làm túp che nắng và chắn gió: do cây trụ sống còn nhỏ, chưa có tác dụng che bóng, cần làm túp che hoặc dàn che nắng và chắn gió cho tiêu. Dàn che làm bằng lưới công nghiệp hoặc các vật liệu che nắng khác có sẳn ở địa phương.

– Làm cỏ, tủ gốc:

+ Làm sạch cỏ thường xuyên, nhổ cỏ mọc trong gốc bằng tay, tránh làm tổn thương vùng rễ.

+ Dùng rơm rạ, cỏ rác, vỏ ngô, đậu, cành lá cây phân xanh …. tủ xung quanh gốc tiêu, cách gốc tiêu 10 – 15cm vào mùa khô để giữ ẩm cho cây, khối lượng chất tủ từ 5 – 10 kg vật liệu tủ/trụ.

– Buộc dây tiêu vào trụ, tỉa cành dây tiêu

Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản thường xuyên buộc dây tiêu kịp thời để đảm bảo dây tiêu có rễ bám tốt ở tất cả các mắt.

Hình 4: Buộc dây cây hồ tiêu vào trụ ở thời kỳ kiến thiết cơ bản

Trong thời kỳ kinh doanh: tỉa bỏ tất cả các dây lươn, cành ác mọc phía dưới gốc tiêu, cành lá của cành ác phải cách mặt đất 10 – 15cm, tỉa bỏ các dây thân mọc ngoài bộ tán tiêu, các dây thân mọc quá dài ở đỉnh trụ, tỉa bỏ các cành ác yếu ớt, các cành tăm nhang, tiến hành 2 – 3 lần trong mùa mưa. Không dùng kéo cắt các cây bị bệnh xoăn lá do bị virus xâm nhiễm để cắt các cây chưa bị bệnh.

Khi cây hồ tiêu trưởng thành có ba loại rễ có vai trò chức năng khác nhau như: Rễ cái: ăn sâu, có từ 2 – 3 cái, làm nhiệm vụ chính là hút nước, bộ rễ có thể ăn sâu 2 m. Rễ phụ: mọc thành chùm, tập trung chủ yếu ở tầng đất từ 15 – 40 cm, có nhiệm vụ hút nước và dinh dưỡng. Rễ bám (rễ thằn lằn): làm nhiệm vụ chính là giúp cây bám vào trụ để vươn cao. Khả năng hút nước và dinh dưỡng của rễ bám rất hạn chế.

Đối với những vườn tiêu kinh doanh trồng trên trụ chết không có cây che bóng cần trồng bổ sung cây che bóng. Cây keo dậu, cây muồng đen (Cassia siamea) trồng với mật độ 100 – 120 cây/ha, cây muồng đen 80 – 100 cây/ha.

Trồng tiêu quy mô nhỏ, hay lớn diện tích từ hơn 01 ha, nên trồng 1-2 hàng muồng đen ở đầu lô chắn hướng gió chính.

Tiêu trồng với cây trụ sống đã có bóng mát. Cần chú ý rong tỉa định hình. Cây trụ sống và cây bóng mát trong vườn tiêu để thân thẳng đứng cao tới 4 – 5m, không phân cành ngang.

3. Phòng trừ dịch bệnh tổng hợp

– Các loài sâu, rệp hại: Rệp sáp (Pseudococcus sp.); Bọ xít lưới hay Rầy thánh giá (Elasmognathus nepalensis); Rệp muội (Toxoptaura sp.); Ngoài ra còn có các loại sâu hại khác như: Rầy xanh (thuộc Bộ Homoptera), Bọ xít dài (Leptocorisa actua), Bọ cánh cứng ăn lá (Anomala sp., Apogonia sp.), v.v. Tuy nhiên các loài này không xuất hiện phổ biến và mức độ gây hại không nghiêm trọng.

– Các bệnh hại: Bệnh khảm lá và xoăn lá (Bệnh Tiêu điên); Bệnh vàng lá chết chậm; Bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora; Bệnh thán thư; Bệnh nấm mạng nhện; Bệnh tảo (Bệnh đớm rong)…

Ngoài ra cần có một số nguyên tắc quản lý sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu như:  Kiểm tra thường xuyên, phát hiện và xử lý kịp thời; Biện pháp phòng ngừa sự nhiễm sâu bệnh; Dùng giống kháng, giống sạch bệnh; Các thực hành nông nghiệp để kiểm soát sâu bệnh hại tiêu; Biện pháp sinh học; Biện pháp hóa học…

4. Thu hoạch

Trước khi thu hoạch, vườn hồ tiêu thường được làm sạch cỏ để quá trình hái tiêu diễn ra thuận lợi, đồng thời trải bạt dưới chân trụ tiêu để việc thu gom dễ dàng hơn, không lo tiêu bị rớt ra ngoài. Cây tiêu thường được trồng trên trụ thẳng nên khi thu hoạch phải dùng thang để leo lên hái tiêu.

Thông thường, tiêu trồng tại vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sẽ thu hoạch vào tháng 2 hoặc tháng 3. Gần như chung với mùa điều. Sau thời gian ra hoa và đậu quả, hồ tiêu thường mất từ 8- 10 tháng thì chín.

Kỹ thuật thu hoạch tiêu cũng rất quan trọng cần phải lưu ý. Tiêu được thu hoạch bằng tay là chính và chia làm 2 hoặc 3 đợt trong một vụ. Thường được hái cả chùm khi đã xuất hiện quả chín hoặc già. Không hái những chùm còn xanh non trừ khi là đợt cuối của vụ. Nếu thu hái sớm, hạt tiêu sẽ bị lép dẫn đến chất lượng kém.

Sưu tầm và biên soạn

Lê Minh Giang & Danh Trí Tâm

Bình luận

bài viết cùng chủ đề

Xem thêm