IV. Kỹ thuật bón phân cho sầu riêng
Liều lượng và số lần bón phân theo tuổi cây
Tuổi cây | Liều lượng (kg/cây/năm) | Số lần bón trong năm |
1 | 0,3 | 4 |
2 | 0,6 | 4 |
3 | 1,0 | 3 |
4 | 2,0 | 3 |
5 | 2,5 | 3 |
6 | 4,0 | 3 |
7 | 5,0 | 3 |
8 | 5,0 | 3 |
9 | 6,0 | 3 |
a) Bón phân giai đoạn kiến thiết cơ bản (KTCB)
Bước 1. Xác định thời điểm bón phân
Căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng của giai đoạn kiến thiết cơ bản để xác định thời điểm bón phân cho phù hợp:
Lượng NPK hoặc hỗn hợp (như 16-16-8+9S+TE; 19-11-7+6S+TE) phân được chia đều và bón nhiều lần trong năm (4 – 6 lần). Nếu có điều kiện nên bón hàng tháng sẽ cho kết quả tốt hơn. Phân hữu cơ và vôi: Bón 1 lần vào đầu mùa mưa.
Phân bón lá, phân vi lượng có thể sử dụng thêm nếu cây phát triển kém, phun 2 lần trong năm, chú ý phun chủ yếu ở mặt dưới lá.
Bước 2. Xác định cách bón phân
+ Cách bón gốc
– Phân hữu cơ: Bón vào hố trước khi trồng hoặc rải quanh bồn ở phía ngoài rìa tán lá, xới nhẹ và đều.
– Phân vô cơ: Bón tập trung ở tầng đất mặt (cây sầu riêng có bộ rễ ăn nông chỉ từ 0 – 30 cm). Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản bộ rễ cây sầu riêng chưa phát triển mạnh nên bón quanh và cách gốc 20 cm tùy theo độ lớn của cây. Tủ lên một lớp đất mỏng và dùng lá cây, cỏ, tủ lên trên.
Sử dụng phân bón cho giai đoạn KTCB
+ Phun trên lá
Thường áp dụng đối với các loại phân vi lượng như Supper Zinc K. Cần lưu ý sử dụng đúng nồng độ như khuyến cáo để tránh gây cháy lá hoặc ngộ độc. Để tăng hiệu quả của phân bón lá nên phun vào buổi sáng và phun mặt dưới của lá.
Bước 3. Tiến hành bón phân cho sầu riêng
– Bón lót: Trộn phân hữu cơ hoặc phân chuồng và vôi đều với đất vào hố/gốc và lấp hố trước khi trồng 15 – 30 ngày.
– Bón thúc: Xới nhẹ đất trong tán, rải đều phân và phủ một lớp đất mỏng lên trên.
Bước 4. Tưới nước sau mỗi lần bón phân
Tưới nước đủ ẩm sau khi bón phân để phân hòa tan cho cây trồng dễ hấp thu nhưng không được tưới quá nhiều sẽ trôi mất phân.
Có thể kết hợp với các biện pháp tủ đất vừa giúp giữ ẩm vừa giảm lượng phân bay hơi.
b) Bón phân giai đoạn kinh doanh
Bước 1. Xác định thời điểm bón phân
Căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng của giai đoạn kinh doanh để xác định thời điểm bón phân cho phù hợp:
Lần 1: Ngay sau khi thu hoạch xong cần tiến hành tỉa cành, bón phân hữu cơ hoai mục 20 – 30 kg/cây hoặc phân hữu cơ FSJC Bio Gold G.A.P theo liều lượng khuyến cáo, kết hợp với phân vô cơ có hàm lượng đạm cao theo công thức NPKS (19:11: 7: 6 hoặc 16:16: 8: 9) với liều lượng 2 – 3 kg/cây.
Lần 2: Trước ra hoa 30 – 40 ngày bón phân vô cơ có hàm lượng lân cao như supe lân Long Thành: 0,7-1 kg/cây và N: P: K + vi lượng dạng không hoặc có ít Clo (Cl–) như 15:15:15+TE New hoặc (20-20-15+TE dạng một hạt) với liều lượng 2 – 3kg/cây; giúp quá trình ra hoa dễ dàng.
Lần 3: Khi quả sầu riêng to bằng quả chôm chôm cần bón phân có hàm lượng kali cao ít Clo (Cl–); theo công thức N: P: K: Mg như 12:12:17:2 hoặc N:P:K + vi lượng như 10:26:26+TE với liều lượng 2 – 3 kg/cây.
Lần 4: Trước khi quả chín 01 tháng bón 2 – 3 kg phân NPK không có Clo (Cl–), kết hợp với 1 – 1,5 kg/cây phân KNO3 để tăng chất lượng quả.
Nên chú ý, đây là lần bón phân thứ 4 sau khi thu hoạch vụ trước và cũng là lần bón phân cuối cùng của vụ quả năm nay, lần bón phân này không bón trễ hơn 1 tháng trước thu hoạch. Bởi vì bón như vậy, sẽ có nhiều nguy cơ làm giảm phẩm chất quả như cơm quả bị sượng, bị nhão.
Ngoài ra, còn có thể sử dụng phân bón lá có hàm lượng kali cao để góp phần nâng cao năng suất phẩm chất quả. Có thể phun phân bón lá làm 5 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần, bắt đầu từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 9 sau khi đậu quả.
Bước 2. Xác định cách bón phân
+ Cách bón gốc
– Phân hữu cơ: Bón rải quanh bồn
ở phía ngoài rìa tán lá, xới nhẹ và đều hoặc đào rãnh rộng 10 – 30 cm, sâu 10
– 20 cm xung quanh đường kính tán, bón xong lấp đất lại.
Đào rãnh quanh tán khi bón phân
– Phân vô cơ: Bón giống như thời kỳ kiến thiết cơ bản (xới đất nhẹ, rải phân trong tán, cách gốc 20 cm, lấp đất nhẹ, tưới nước và tủ gốc).
+ Phun trên lá
Phân bón lá sử dụng tùy theo giai đoạn sinh trưởng
Phun theo hướng dẫn trên bao bì theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Nên phun vào chiều mát hoặc sáng sớm và tiên lượng thời tiết mưa gió trước khi phun.
Bước 3. Tiến hành bón phân cho sầu riêng
– Bón lót: Trộn phân hữu cơ hoặc phân chuồng và vôi đều với đất vào rãnh rồi lấp đất lại.
– Bón thúc: Xới nhẹ đất trong tán, rải đều phân và phủ một lớp đất mỏng lên trên.
Bước 4. Tưới nước sau mỗi lần bón phân
Tưới nước đủ ẩm sau khi bón phân để phân hòa tan cho cây trồng dễ hấp thu nhưng không được tưới quá nhiều sẽ trôi mất phân. Có thể kết hợp với các biện pháp tủ đất vừa giúp giữ ẩm vừa giảm lượng phân bay hơi.
Chú ý:
– Khi bón phân kết hợp tưới nước vừa đủ: Bón phân xong cần tưới nước ngay và tủ gốc lại giữ ẩm giúp phân tan và giữ trong đất để cây hút từ từ.
– Khu vực phía Nam, vào tháng 2 và 3 không nên bón phân vì thời tiết nóng, đất khô, thiếu nước nên hiệu quả phân bón thấp.
– Đối với vùng đất có pH thấp nên bổ sung bột vôi nung và lân.
– Làm sạch cỏ xung quanh gốc sầu riêng; xén và bứng rễ cây trồng xen tạm thời hay bằng cách xén rãnh xung quanh bồn để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng với cây sầu riêng.
– Hạn chế sự mất mát phân do bốc hơi, do nước chảy tràn bằng cách làm bồn, tủ gốc bằng lớp lá cây cỏ lên trên xung quanh gốc.
– Tránh bón phân lúc mưa to và lúc không có nước tưới.
– Làm bồn chỉ nên xới xáo vùng từ rìa tán lá ra phía ngoài, xới xáo nhẹ vùng bên trong tán lá vì xới xáo mạnh sẽ làm tổn thương rễ sầu riêng.
– Không nên sử dụng đơn độc phân vô cơ mà cần bón phân hữu cơ kết hợp NPK.
– Kiểm tra sâu, bệnh hại trên thân, lá và rễ thường xuyên để xử lý kịp thời. Nếu sâu, bệnh nặng phải chữa trị trước khi bón phân.
Sưu tầm và biên tập KS Lê Minh Giang