Bài 2: PHÂN LÂN VÀ SỰ PHÂN LOẠI LÂN (Tiếp theo)

 Lê Minh Giang  29-09-2020  2037 Lượt xem

2. Các loại phân lân sản xuất từ quy trình nhiệt.

Phân lân nung chảy còn được gọi là phân lân cao nhiệt, phân lân thủy tinh, Tecmo photphat. Nguyên lý sản xuất loại phân lân này là: nung chảy quặng apatit ở nhiệt độ cao để chuyển lân thành các hợp chất phức tạp hòa tan được trong axit yếu. Phân này sản xuất đầu tiên ở Bỉ được đưa ra từ năm 1916 và đã được ứng dụng rộng rãi ở Đức, Bỉ, Hà Lan, Nga, Pháp, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Có hai loại phân lân nung chảy.

Phân lân nung chảy có phụ gia kiềm. Loại này có độ kiềm cao, có khả năng khử chua và chứa nhiều yếu tố dinh dưỡng quan trọng khác ngoài lân như Mg, Ca, Na, K và các vi lượng tùy thuộc quặng apatit và chất kiềm sử dụng.

Phân lân nung chảy không dùng hoặc dùng ít phụ gia kiềm. Loại này thường có lượng P2O5 cao hơn nhưng khả năng khử chua thấp hơn và nghèo các yếu tố khác hơn.

2.1. Phân lân nung chảy dùng phụ gia kiềm.

Các chất kiềm thường dùng là đá xà vân (secpentin), đá bạch vân (đolomit) quặng olivin. Nước ót thừa ở các ruộng muối có chứa các muối NaCl, KCl, MgCl2, MgSO4 cũng được dùng làm chất kiềm để tạo thành loại phân gọi là phân lân nước ót.

+ Photphat canxi – magie ( F.M.P)

Ở nước ta có hai công ty sản xuất phân lân nung chảy Công ty phân lân nung chảy Văn Điển và Công ty phân lân nung chảy Ninh Bình. Cả hai công ty này đều sử dụng quặng apatit loại 2 của mỏ apatit Lào Cai và quặng secpentin Thanh Hóa làm nguyên liệu chính tạo thành photphat canxi – magie. Sản phẩm của hai công ty có thành phần lân và magie gần giống nhau.

Phân lân nung chảy Văn Điển có 3 loại :

+ Loại 1 có tỷ lệ P2O5 20% và MgO 15%.

+ Loại 2 có tỷ lệ P2O5 17,5 % – 18,5 % và MgO 15-17%.

+ Loại 3 có tỷ lệ P2O5 15 – 16 % và MgO 17 – 20%.

Ngoài ra còn có chứa 24 – 30% SiO2 và các vi lượng cần thiết cho cây như:

Sắt              4%

Mangan      0,4%

Đồng           0,02%

Molypđen   0,001%

Coban         0,002%

Bo               0,05 – 0,07%

Lân trong phân lân nung chảy ở dưới dạng phức hợp photphat canxi, magie, không tan trong nước, có khoảng 90% tan trong axit xitric 2%. Các loại phân này có độ kiềm cao PH = 8,5. Lượng vôi và magie trong phân gần bằng lượng vôi trong bột đá vôi và có khả năng khử chua bằng 80 – 90% bột đá vôi. Bón 2 – 2,5 kg phân lân nung chảy có tác dụng khử chua ngang 1 kg vôi bột hoặc 2 kg bột đá vôi.

Phân lân nung chảy thương trường hiện nay có hai loại hạt. Loại cỡ hạt ±2 mm có màu xanh xám óng ánh như thủy tinh và cỡ hạt mịn, 70% qua rây canh 0,25 mm có màu xanh nhạt, nhìn kĩ cũng óng ánh như thủy tinh. Phân khô không hút ẩm, không đóng cục.

Ưu điểm chính chung của các loại phân lân nung chảy là:

– Có khả năng khử chua cải tạo đất chua, đất phèn.

– Lân trong phân ở dạng ít hòa tan nên tuy hiệu quả chậm hơn supe lân một ít nhưng hiệu quả bền hơn vì lân không bị chuyển thành dạng cây khó sử dụng. Các loại đất có khả năng hấp phụ và giữ chặt lân lân cao như đất phù sa năng chua, đất phèn, đất đồi laterit chua, đất phù sa trũng và lầy thụt hiệu quả lân nung chảy có trội hơn lân supe.

Các yếu tố trung lượng như Silic, canxi, Magie, là các yếu tố dần dần được chú ý nhiều hơn khi sản xuất thâm canh và bón đủ các yếu tố chính N, P, K. Sự thiếu canxi đã thể hiện ở một số loại đất chua nhiều. Sự thiếu magie cũng biểu hiện rõ trên đất đồi thoái hóa, đất xám và đất bạc màu, đất phù sa sông. Silic tích lũy trên thân cây hòa thảo (ngô, lúa, cao lương) làm cho cây cứng cáp và giảm bớt bệnh hại. Magie lợi cho phẩm chất của cây lấy đường, cây lấy dầu, cây họ đậu, phẩm chất lá dâu.

Các khảo sát của các cơ quan nghiên cứu Việt nam cho thấy phân lân nung chảy có hiệu quả đặc biệt cho các cây trồng sau đây: lúa, ngô, lạc đậu, đỗ, mía, dâu tằm, dứa, hồ tiêu, chè, cà phê, cao su, đồng cỏ chăn nuôi và các vùng đất chua PH < 5, vùng đất bạc màu, đất chua mặn (đất phèn) đất cát ven biển, đất trũng lầy thụt, đất đồi feralit chua.

Mặt yếu của loại phân này là hiệu quả hơi chậm đặc biệt là ở vùng đất trung tính kiềm và quá nghèo lân, làm cho trong thời gian ngắn ban đầu cây sẽ không được cung cấp đủ lân.

Cách khắc phục đơn giản là:

– Nếu đất quá nghèo lân, vài vụ đầu nên bón cao hơn mức bình thường 20%, các vụ sau giảm dần.

– Sử dụng phối hợp supe lân và phân lân nung chảy, phân supe lân dễ tan hơn đảm bảo nhu cầu lân cho cây giai đoạn đầu. Phân lân nung chảy ít bị cố định hơn chuyển dần ra cung cấp lân cho cây ở các thời vụ sau. Lưu huỳnh trong supe lân và magie trong phân lân nung chảy đều là hai yếu tố có thể được xem là yếu tố phân bón cho các vùng nhiệt đới sản xuất thâm canh.

Tỷ lệ phối hợp có thể là 1/3 – 1/2 supe lân và 1/2 đến 2/3 phân lân nung chảy. Đối với các cây ưa đất chua, cần nhôm và lưu huỳnh như chè, cà phê, ca cao bón phối hợp supe lân và phân lân nung chảy lại càng cần thiết.

Vấn đề độ mịn của phân lân nung chảy cũng là vấn đề đang tranh cãi. Phân lân nung chảy không tan trong nước mà chỉ tan trong axit yếu, gần như không di động trong đất. Rễ cây chỉ lấy được phân khi lông hút tiếp cận được với hạt phân. Điều này làm cho nhiều nhà nghiên cứu muốn phân phải được nghiền mịn để phân có thể tiếp xúc trực tiếp với rễ. Tuy nhiên, nếu nghiền mịn sự tiếp xúc nhiều giữa phân với đất cũng làm cho lân bị đất cố định mặc dù phân lân nung chảy là loại phân lân ít hòa tan. Hiện tượng này cũng đã gặp khi bón phân lân nung chảy và supe lân trên đất phèn mới khai hoang. Trên loại đất chua phèn có khả năng hấp phụ cao này bón supe lân cho lúa đầu vụ cuối vụ đã mất hiệu lực. Bón làm 3 lần một lần bón lót và 2 lần bón thúc cho năng suất cao hơn. Nếu bón phân lân nung chảy dạng bột cuối vụ cũng thể hiện thiếu lân nhưng không rõ bằng, bón thúc 1 lần bằng phân lan nung chảy tốt hơn bón lót tất cả. Điều này chứng tỏ rằng trên các loại đất có độc chua cao, có tình trạng bốc phèn, bón phân lân nung chảy dạng bột mịn chưa chắc đã tốt bằng dạng không nghiền mịn.

Cũng như tất cả các loại phân lân khác, phân lân nung chảy thường được dùng để bón lót. Các thí nghiệm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy trộn phân lân nung chảy cùng với hạt giống lúa để gieo hiệu quả rất tốt. Cách trộn này cũng có thể áp dụng cho các loại hạt giống khác.

Bón lót phân lân nung chảy cho ruộng lúa cần bón trước lúc bừa cấy để trộn lân phân với đất. Đối với ruộng trồng hoa màu có thể bón lót vải  ra ruộng, bừa kỹ trước khi lên luống hoặc bón theo hàng theo hốc nhưng cần dùng cuốc đảo đều để trộn lẫn phân với đất. Đối với cây lâu năm nên bón sớm lúc đặt cây và bón vào rãnh cùng phân hữu cơ vào cuối vụ đông.

Phân lân nung chảy không thể dùng để hòa nước tưới và phun lên lá. Chỉ nên trộn phân lân nung chảy với phân chuồng trước khi bón, không nên trộn với phân đem ủ như supe lân và photphoric vì phân lân nung chảy có thể làm mất đạm trong phân chuồng. Phân lân nung chảy cũng không nên trộn với nước giải vì lý do mất đạm. Khi dùng phân đạm bón lót có thể trộn với phân lân nung chảy để cùng bón, nhưng không nên để quá lâu trong điều kiện ẩm.

* Phân lân nước ót. Nước ót là nước thừa ở ruộng muối đã kết tinh. Trong nước ót có các muối NaCl, KCl, MgCl2, MgSO4, MgBr2và một số vi lượng. Khi nung apatit với nước ót cũng thu được một số loại phân lân nung chảy có các nguyên tố có ích cho cây như Na, K, Mg, Si.

 Phối hợp nước ót cùng với các nguyên liệu không kiềm khác để sản xuất loại phân có nhiều yếu tố mà không chảy nước là hướng có nhiều triển vọng đối với một nước có thể sản xuất nhiều muối như nước ta.

* Renanit: Còn gọi là phân lân thiêu kết. Quặng kiềm để sản xuất các loại phân lân này là Na2CO3, NaOH hoặc K2CO3, KOH hoặc có khi dùng Na2SO4. Khi nung tạo ra Na2O là một chất kiềm mạnh, đẩy flo ra khỏi tinh thể và làm cho phân trở thành dễ tiêu hơn. Nhiều khi người ta còn sử dụng Canxi.

Loại phân này thích hợp cho các vùng chua nghèo natri, nhưng cần chú ý ảnh hưởng xấu của  natri làm phân tán keo đất, làm xấu lý tính đất, đất bị chai cứng dễ nứt nẻ.

* Photphat cứt sắt (còn gọi là phân lân tomat hay Tomat solac).

Khi luyện thép theo quy trình do Thomas đề nghị, để loại bỏ lân có trong quặng sắt với vôi. Sắt kết hợp với vôi tạo thành các tinh thể tetra canxi photphat Ca4P2O9. Có khả năng  hoặc phức hợp của solicophotphat hòa tan nhiều trong xitrat amon có thể đến 75-90% lân tổng số. Trong photphat cứt sắt còn có 15-55% CaO trong đó có 80% CaO có hoạt tính cao (như vôi bột), cho nên photphat cứt sắt cũng có tác dụng khử chua cao như phân lân nung chảy.

Ưu điểm của photphat cứt sắt là có thể cung cấp thêm một số vi lượng, rất đáng kể. Trong 1 tấn có 25 – 50 kg mangan và magie, 10 – 60 g đồng, 2 – 5 g coban, 5 – 10 g molybden.

Photphat cứt sắt là loại phân được sử dụng rộng rãi ở Pháp và các nước EU, tỷ lệ có thể lên đến 30% số lượng lân sử dụng. Trong tương lai khi công nghiệp luyện thép của các nước EU thay đổi, mặt hàng photphat cứt sắt không còn nữa cần có mặt hàng khác thay thế vì vậy phân lân nung chảy đang được thị trường châu Âu để ý đến.

* Photphan. Photphan là loại phân sản xuất từ alumino – canxi-photphat là loại quặng có lân giàu nhôm có nhiều ở vùng Thiêt- Senegan. Đó là một loại phân có hàm lượng lân cao 34% P2O5 trong đó có 26% hòa tan trong amon xitrat và 8% ở dạng khó tan. Loại này thường dùng để trộn thành phân phức hợp dễ bảo quản. Người ta trộn thêm Mg, Bo và vi lượng.

Kỹ thuật sử dụng photphan tương tự các loại phân lân nung chảy.

2.2. Phân lân nung chảy không dùng hoặc ít dùng phụ gia kiềm.

* photphat khử Fluo: Còn gọi là phân lân thủy nhiệt vì vừa dùng tác động nhiệt, vừa dùng tác động hơi nước để phá vỡ tinh thể apatit và đẩy fluo ra khỏi tinh thể. Phân là một hỗn hợp canxi photphat và canxi silicat. Hàm lượng lân trong phân tùy thuộc lân trong apatit được sử dụng, từ 20 – 22 % P2O5 với quặng nghèo, 30 – 32 % P2O5 với quặng giàu trong đó có từ 70 – 92 % lân hòa tan trong axit xitric.

* Metaphôtphat. Metaphôtphat và pyrophotphat có thể sản xuất từ các axit metaphophoric hoặc axit pyrophotphoric như đã nói ở trên, đồng thời cũng có thể  sản xuất bằng phương pháp nhiệt bằng cách khử mono canxiphotphat ở T = 275 – 300oC hoặc bằng cách nung quặng apatit và P2O5 ở nhiệt độ 1000 – 1200oC. Metaphôtphat có hàm lượng lân cao, trên lý thuyết có đến 71,7% P2O5, phân thương trường có 60 – 65% P2O5 phần lớn tan trong axit xitric 2%, ngoài ra còn có 25% CaO và 4 % SiO2.

Các loại metaphotphat, pyrophotphat, supe lân ít tan, phân lân kết tủa, phân lân nung chảy; phân lân nước ót, photsphan, photphat khử fluo, renanit, photphat cứt sắt dầu cách sản xuất có khác nhau, theo quy trình tác động bằng axit hay tác động nhiệt đều có một đặc điểm chung, thành phần lân không hòa tan trong nước mà chỉ hòa tan trong axit xitric, hoặc xitrat trung tính thuộc nhóm phân lân ít hòa tan. Các loại phân lân sản xuất từ axit hòa tan cao trong dung môi xitrat trung tính tương tự supe lân, còn các loại sản xuất theo quy trình nhiệt hòa tan cao trong điều kiện axit. Các loại phân lân này đều cùng một số đặc điểm chung về cách sử dụng:

– Có ưu thế đặc biệt ở đất chua.

– Tốt nhất là bón lót sớm.

– Hiệu quả ban đầu hơi chậm nhưng kéo dài đến cuối vụ và vụ sau.

Các loại sản xuất từ quy trình nhiệt kiềm thường khủ chua mạnh hơn và có chứa một số vi lượng có ích. (Còn nữa)

Sưu tầm và biên tập, Ks Lê Minh GIang

Bình luận

bài viết cùng chủ đề

Xem thêm