Bài 2: PHÂN LÂN VÀ SỰ PHÂN LOẠI LÂN (Tiếp theo)

 Lê Minh Giang  02-10-2020  1355 Lượt xem

2.3. Một số loại khác ít phổ biến.

* Phân lân ở dạng nước.

Đó là hỗn hợp các axit photphoric như axit octophotphoric H3PO4, axit pyrophotphoric H4P2O7, axit triphotphoric H5P3O10, axit tetraphotphoric H6P4O10… Sản phẩm chứa đến 75 – 79% P2O5.

* Photphin. Là hỗn hợp các photphua hydro hóa lỏng nước ở nhiệt độ – 88oC và chuyển sang thể rắn ở nhiệt độ -134oC. Phân có chứa đến 91% P.

Các photphua thường dùng là H3P, H6P12 và H4P2.

3. Các loại phân lân tự nhiên.

Đó là loại quặng khai thác từ các mỏ dùng làm phân bón. Các mỏ này có nguồn gốc do núi lửa phun ra tạo thành hoặc do lân tích đọng ở đáy biển tạo thành. Lân trong các loại quặng này đều là các hợp chất photphat canxi có chứa gốc Cl, F, OH hay CO32- . Tùy theo thành phần hợp chất, nguồn gốc thành tạo mà phân làm hai loại apatit và photphorit. Apatit phần lớn có nguồn gốc phún xuất và có cấu trúc tinh thể hoặc vi tinh thể và cũng khó phá vỡ, khó dùng để bón trực tiếp. Apatit Lào Cai cũng thuộc về loại này. Các loại quặng nguồn gốc trầm tích, cấu trúc vô định hình, dễ phá vỡ có thể dùng để bón trực tiếp gọi là photphorit. Các loại này thường lẫn lộn với đất có nhiều chất hữu cơ và tỉ lệ Fe, Al cao.

3.1. Photphorit.

Photphorit sử dụng ở các nước EU đều lấy từ các mỏ của Bắc Phi, Mỹ, canada, SNG. Mỏ này nhỏ trữ lượng ít hàm lượng lân thấp. Trong các hang núi đấ vôi ven bờ biển (Còn gọi là phân lèn). Các núi đá này rải rác ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Bắc Thái, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình. Tính chất các loại này gần giống photphorit Vĩnh Thịnh.

Cần phân biệt phân lèn là photphorit chính cống với loại phân cũng lấy được từ trong hang đá nhưng là xác của phân dơi, chim chóc sống lâu trong hang đá để lại. Loại phân này là một loại phân đặc biệt giàu chất dinh dưỡng rất tốt, dùng như các loại phân hữu cơ nhiều yếu tố N, P, K và vi lượng khác hẳn photphorit thông thường.

Chất lượng của photphorit được đánh giá theo các tiêu chuẩn sau:

– Tính chất vật lý- xốp nhẹ.

– Tính chất hóa học: Lân tổng số và lân tan trong axit citric cao, tỷ lệ CaO cao và tỷ lệ P2O3 thấp, hàm lượng fluo thấp.

Chất lượng photphorit thay đổi rất nhiều tùy nơi khai thác. Các loại photphorit của Maroc, Angieri, Mỹ, Canada chất lượng tốt được nghiền bón trực tiếp và có tín nhiệm trên thị trường. Photphorit ở mỏ Vĩnh Thịnh và các núi đá vôi nhiều sắt nhôm, tỷ lệ lân thấp thay đổi rất nhiều tùy nơi khai thác. Hàm lượng P2O5 tổng số thay đổi từ 10-31% P2O5.

Ưu điểm chính của bột photphorit là có khả năng khử chua, hiệu lực lâu dài trong nhiều vụ.

Nhược điểm chính là không phải đất nào, cây nào bón photphorit cũng có hiệu lực. Ở đất trung tính và ít chua, photphorit chỉ có hiệu lực rõ đối với một số cây họ đậu và cây phân xanh, cây họ thập tự.

Ở đất chua pH< 5,5 hiệu lực của photphorit mới rõ. Đất càng chua hiệu lực càng rõ. Hiệu lực photphorit rõ nhất ở các chân ruộng trũng, lầy thụt giàu hữu cơ.

3.2. Apatit.

Apatit phần lớn là các mỏ thành tạo có nguồn gốc phún xuất, nhưng cũng có mỏ có nguồn gốc trầm tích. Mỏ apatit Lao Cai thuộc loại sau.

Apatit Lao cai có 3 loại: Loại giàu có chứa >31% P2O5, loại 2 có chứa 23-31%. Loại 3 dưới 23%.

Quặng loại 3 được làm giàu để sản xuất supe lân. Quặng loại hai dùng để sản xuất phân lân nung chảy.

Trong 3 loại quặng, quặng 1 có cấu trúc tinh thể, ít bền chặt, dễ phá vỡ, có thể nghiền bón trực tiếp, nhưng hàm lượng P2O5 cao nên dùng để sản xuất supe lân và xuất khẩu. Quặng loại 3 có hàm lượng P2O5 thấp có thể dành nghiền bón trực tiếp nhưng tinh thể khá bền vững, hiệu lực kém hơn.

Hiệu lực các loại phân bón khó tan dùng bón trực tiếp phụ thuộc vào sự tiếp xúc của các phân với đất và rễ cây. Dựa vào axit do rễ cây tiết ra và dựa vào độ chua của đất mà các loại phân khó tiêu trở thành dễ tiêu. Cây có thể sử dụng được. Các biện pháp chính để làm tăng hiệu quả các loại phân lân này là:

– Nghiền mịn: Độ mịn càng cao càng có hiệu quả. Phân phải có độ mịn đạt 20% qua rây 0,25 mm mới có thể làm tăng năng suất khá. Nếu giá thành cho phép tốt nhất là 100% qua rây 0,10 mm.

– Bón sớm: các loại phân lân khó tan chỉ có thể bón lót. Bón tập trung theo hàng hoặc hàng cây tốt hơn bón vãi ra ruộng vì phân dễ tiếp xúc với cây hơn. Trong trường hợp dùng với lượng lớn để vừa cải tạo độ chua vừa cung cấp cho cây mới nên bón vãi và cày bừa trộn đều trong toàn tầng đất canh tác.

– Ủ với phân chuồng để lợi dụng chất chua khi chất hữu cơ phân giải. Trộn photphorit với các loại phân vô cơ có khả năng gây chua như amon sunfat, amon clorua hay các loại phân Kali cũng có tác dụng làm tăng hiệu lực của phân.

Cũng như các loại phân ít hòa tan, sự phối hợp phân lân khó tiêu với các loại phân lân dễ tiêu thường có tác dụng tốt. Nhà máy supe lân Long Thành đã có sáng kiến xuất loại supe lân PA bằng cách trộn supe lân sau khi ủ 5 ngày với bột đá xà vân và bột apatit hoặc bột phophorit. Loại phân này có tác dụng giống như các loại phân snr xuất theo quy trình chậm tan.

Lượng bón các loại phân khó tiêu nên cao hơn supe lân 1,5 – 2 lần.

4. Phân lân vi sinh:

Lân trong đất thường tồn tại dưới hai dạng:

Các hợp chất lân vô cơ và các hợp chất lân hữu cơ. Lân hữu cơ chiếm khoảng 25 – 50 % tổng số lượng lân trong đất tùy thuộc lượng hữu cơ và mùn trong đất nhiều hay ít. Ở đất mới khai phá, đất vùng ôn đới, mùn nhiều, lân hữu cơ rất cao. Khi có nhiệt độ thích hợp, không quá thấp các vi sinh vật phân giải chất hợp chất hữu cơ chứa lân thành lân vô cơ cung cấp cho cây. Nhiệt độ dưới 20 oC, hoạt động này ngừng lại, cây trồng sử dụng lân chủ yếu dưới dạng vô cơ chứa sẵn trong đất. Khi nhiệt độ từ 35oC trở lên sự giải chất hữu cơ rất mạnh nguồn cung cấp lân dựa nhiều vào lân hữu cơ phân giải ra.

Quá trình phân giải lân hữu cơ có sự tham gia của một loại vi sinh vật đặc biệt gọi là vi sinh vật phân giải lân hữu cơ (Bacillus megatherium phosphaticum). Để tăng cường sự phân giải lân hữu cơ trong đất người ta đã tuyển chọn các dòng có khả năng phân giải mạnh bổ sung thêm vào đất. Đó là các loại phân vi sinh vật phân giải lân hữu cơ. Loại phân vi sinh vật phân giải lân hữu cơ này chỉ có hiệu quả trên đất ôn đới giàu hữu cơ. Đất vùng nhiệt đới nghèo hữu cơ và mùn ít có triển vọng.

Trong đất cũng có các loài vi sinh vật chuyển hóa các dạng lân vô cơ khó tiêu thành dạng lân vô cơ dễ tiêu. Loại vi sinh vật phân giải lân vô cơ khó tiêu này tìm thấy nhiều ở chung quanh rễ các loại cây họ đậu, rễ bèo dâu, rễ lúa các dòng kháng thiếu lân. Người ta cũng đã thử sử dụng các dòng vi khuẩn này để sản xuất phân vi sinh vật phân giải lân vô cơ bón vào đất. Tuy nhiên các dòng vi khuẩn này chỉ có thể phân giải canxi photphat mà trong đất nhiệt đới chứa lân vô cơ khó tiêu tồn tai dưới dạng sắt photphat và nhôm photphat là chính. Vì vậy triển vọng của phân vi sinh vật phân giải lân vô cơ ở đất nhiệt đới chua cũng không có gì là hấp dẫn.(Còn nữa)

Sưu tầm và biên tập: Ks Lê Minh Giang

Bình luận

bài viết cùng chủ đề

Xem thêm