Bài 2: PHÂN LÂN VÀ SỰ PHÂN LOẠI LÂN

 Lê Minh Giang  16-09-2020  930 Lượt xem

PHÂN LÂN VÀ SỰ PHÂN LOẠI LÂN:

Sự phân loại lân dựa theo độ hòa tan của chúng:

1/ Phân lân hòa tan trong nước: supe lân (SP), điamôn photphat (DAP)

2/ Phân lân ít hòa tan trong nước, chỉ hòa tan trong axit yếu như axit xitric 2 % axit foomic hay xitrat amôn, phân lân nung chảy TP, photphat cứt sắt (còn gọi là Toomat sowlac), photphan, phân lân kết tủa (dicanxi phôtphat) và phân lân chậm tan (phân lân axit hóa một phần).

3/ Phân lân khó tan. Đó là các loại quặng tự nhiên khai từ mỏ lên đem nghiền để bón trực tiếp như apatit, photphorit, bột xương động vật…

Người ta còn phân loại theo quá trình chế biến:

1/ Phân lân tự nhiên: là sản phẩm khai thác từ các mỏ, nghiền bột đem sử dụng, không qua quá trình chế biến. Phần lớn phân lân tự nhiên là phân khó hòa tan: apatit photphorit, vivianit.

2/ Phân lân chế biến bằng axit. Có hai loại:

 – Hòa tan trong nước: supe lân, điamôn photphat.

 – Hòa tan trong axit yếu: phân lân kết tủa, phân lân chậm tan.

3/ Phân lân sử dụng nhiệt năng để chuyển hóa: Các loại phân lân nung chảy và phân lân cứt sắt.

1. Các loại phân lân điều chế bằng axit.

1.1. Supe lân.

Supe lân là loại phân lân được sản xuất bằng cách cho tác động axit sunfuric với apatit. Lượng axit được tính toán thế nào để chuyển hết apatit thành canxi photphat. Trên thị trường có 3 loại supe lân:

– Loại supe lân thông thường: Loại này điều chế bằng cách cho tác động photphat tự nhiên với axit sunfuric, tạo thành monocanxi photphat và thạch cao. Tỷ lệ thạch cao chiếm 50%. Tùy theo hàm lượng lân trong quặng apatit mà tỷ lệ lân trong phân thay đổi từ 16 – 24 % P2O5 tan trong a môn xitrat trong đó có đến 90 % tan trong nước, ngoài ra có từ 8 – 12 % và khoảng 28 % CaO ở dạng CaSO4, một ít vi lượng như Fe, Zn, Mn, Bo, Mo.

– Loại supe lân giàu: là loại supe lân điều chế từ apatit tác động bởi hỗn hợp axit sunfuric và photphoric. Tùy theo tỷ lệ giữa axit sunfuric và axit photphoric mà có chứa 25 – 35 % P2O5 hòa tan trong a môn xitrat. Lượng CaSO4 còn lại ít hơn trong supe lân, chứa từ 6 – 8% S và khoảng 20 % CaO..

– Loại supe lân rất giàu: Được sản xuất bằng cách cho tác động axit photphoric với apatit có chứa từ 36 -38% P2O5 tan trong amôn xitrat.

Trong quặng apatit có chứa Fe, Al và các vi lượng nhiều ít tùy quặng. Axit sunfuric cũng kết hợp với Fe, Al tạo thành sufat sắt hay sunfat nhôm.

Trước đây người ta cho rằng lân tan trong nước càng nhiều chất lượng supe lân càng cao nên sản xuất supe lân thường dùng thừa một ít axit tạo thành axit photphoric, để cho trong khi cất trữ supe lân, lân hòa tan trong nước không chuyển ngược lại thành lân ít hòa tan. Vì vậy, supe lân thường chua. Lượng axit càng cao, supe lân càng dễ hút ẩm, ướt nhão. Thông thường tỷ lệ axit trong phân không nên quá 5% và độ ẩm dưới 13%. Từ khi người ta nhận thấy rằng không nhất thiết lân phải hòa tan trong nước nhiều cây mới dễ sử dụng, các nhà sản xuất phân supe lân giảm bớt số axit sử dụng, phân có chứa hai canxi phôtphat nhiều hơn, phân không chua ít hút ẩm và tơi rời hơn.

Tùy theo nguyên liệu sử dụng mà supe lân có màu xám trắng hay xám xẫm. Trên thị trường thường trình bày dưới hai dạng: Dạng supe lân bột và dạng supe lân viên. Do lân trong supe lân dễ hòa tan, khi bón vào đất dễ bị các nhân tố trong đất chuyển thành dạng cây khó sử dụng. Việc phân supe lân vò thành viên nhằm giảm hiện tượng này làm cho hiệu quả supe lân cao hơn.

Như vậy hai mặt mạnh của supe lân là:

– Dễ hòa tan, hiệu quả nhanh hơn các loại phân lân khác.

– Có chứa S.

Mặt mạnh thứ hai gần đây mới bắt đầu nhận thức hết. Nếu liên tục bón nhiều phân đã bị tẩy bớt lưu huỳnh như loại supe lân rất giàu điều chế từ axit photphoric trong nhiều năm thì sự thiếu S ngày càng thể hiện rõ nét. Trong tương lai S được xem là yếu tố phân bón thì supe lân nên được xem là loại phân có hai yếu tố.

Vì hàm lượng lân trong supe lân và hàm lượng S trong phân thay đổi rất lớn tùy theo chất lượng quặng và qui trình sản xuất nên phân lân trên thị trường cần được ghi ít nhất hàm lượng của lân hòa tan trong a môn xitrat và hàm lượng S tổng số. Ghi rõ hàm lượng CaO và các vi lượng khác của phân là điều nên làm.

Trên thương trường còn có loại phân supe được sản xuất từ axit xitric, hoặc hỗn hợp axit xitric và axit sunfuric. Sản phẩm là các nitrophotphat có hàm lượng N và P2O5 khác nhau. Tùy theo tỷ lệ giữa N và P mà nó được sư dụng như phân lân hay phân đạm (sẽ trình bày ở dạng phân phức).

Nhà máy supe lân Lâm Thao Vĩnh Phú và nhà máy supe lân Long Thành chủ yếu sản xuất phân supe lân. Supe lân Lâm Thao có chứa 16,5% P2O5 tan trong xitrat amôn 11,2%,  22-23% CaO và có chứa ít hơn 4 % axit sự do.

Vì nước ta, diện tích trồng lúa rất lớn, sản xuất phân lân chủ yếu là để bón cho lúa nên cả hai nhà máy supe lân Lâm Thao và Long Thành đều chưa trang bị dây chuyền để sản xuất supe lân viên. Chắc rằng sản xuất phân viên sau này sẽ được chú ý, vì trên đất laterit chua, hiệu quả của phân viên sẽ cao hơn và bền hơn phân bột rất nhiều.

Supe lân là loại phân rất quý cho đất trung tính, đất cacbonat và đất cà giang (đất kiềm do nhiều natri). Bón supe lân vào các loại đất này, lân cũng bị hấp phụ giữ lại do chuyển thành các dạng hợp chất lân giàu canxi, ít hòa tan hơn. Nhưng các hợp chất này về sau vẫn tiếp tục được cây sử dụng. Ở các loại đất có độ chua cao, nhiều sắt di động như đất chua, đất phèn, đất đồi laterit chua, đất trũng lầy thụt, supe lân dễ bị hấp phụ và giữ chặt trên keo đất hoặc chuyển thành các photphat Fe, Al. Lân bị giữ chặt theo kiểu này cây không còn sử dụng được nữa. Nhiều thí nghiệm trên đất đồi trồng hoa màu chua hiệu lực vụ sau của supe lân rất thấp còn trên đất phèn, nhất là sau khi đất bị xì phèn hiệu lực còn lại không còn gì nữa.

Sản xuất các loại supe lân viên hay các loại phân lân axit hóa một phần (dùng lượng axit ít hơn quy trình thông thường) cần được xem xét đến, vì hiệu quả phân sẽ cao hơn.

Trộn thêm các loại vi lượng vào supe lân rất có ích, vừa cung cấp thêm vi lượng hữu hiệu cho cây vừa làm tăng hiệu lực supe lân. Các vi lượng thường được chú ý là bo, molipđen, kẽm và mangan. Super lân dùng bón cho cây họ đậu nên chú ý trộn thêm magiê, mangan, molypđen và bo cho vùng trồng lúa nên chú ý đến kẽm và đồng. Những nhận xét đầu tiên của trung tâm nông nghiệp Đồng Tháp Mười cho thấy trên đất phèn nên chú ý trộn thêm bo. Nhà máy super lân Long Thành đã trộn thêm bột đá xà vân để có loại super lân M chứa 17% P2O5 tổng số, 14,2% P2O5 tan trong amôn xitrat và 3% MgO và lượng axit còn lại 1%.

Trong thành phần super lân có canxi sunfat. Ngoài tác dụng cung cấp S ra, canxi sunfat còn là chất để cải tạo đất kiềm do natri gây ra. Canxi trong CaSOđẩy Na ra khỏi keo đất và làm giảm độ kiềm của đất. Super lân có thể xem như là chất cải tạo đất kiềm có hiệu quả cao do tỷ lệ 50% CaSO4.

Trước đây do tính chất cải tạo kiềm này người ta lầm tưởng bón supe lân làm chua đất. Theo Gros nhiều thí nghiệm lâu năm chứng tỏ rằng ngay cả khi bón với liều lượng cao supe lân không ảnh hưởng đến độ chua của đất.

Phân supe lân phù hợp cho tất cả các loại đất, loại cây, có thể dùng để bón lót, lên mặt đất hoặc bón theo hàng theo hốc, có thể dùng để bón thúc, hòa nước để tưới và phun lên lá. Ở đất chua, hiệu lực supe lân có thể được tăng cường nếu đất được bón vôi.

Nông dân miền Bắc đã quen với tập quán ủ phân chuồng có thêm supe lân. Cách làm này làm cho hiệu lực phân lân tăng và làm giảm sự mất đạm khi ủ phân. (Còn nữa)

Sưu tầm và biên tập – Ks Lê Minh Giang

Bình luận

bài viết cùng chủ đề

Xem thêm